Kiến thức về phơi nhiễm HIV

Kiến thức về phơi nhiễm HIV (Tư vấn HIV miễn phí)
A – Phần mở đầu
Việt Nam nằm trong vùng ma túy, tam giác vàng Myanma – Thái Lan – Trung Quốc, lại có tới 25 tỉnh giáp biên giới nên HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp và phát triển nhanh chóng, đã ảnh hưởng tới đời sống của mỗi chúng ta, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến những người không may mắc phải căn bệnh này và gia đình của họ. Những người nhiễm HIV đang phải ngày đêm chống chọi với nỗi đau, với thái độ kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh và cần được hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội, cả về vật chất lẫn sự đồng cảm, sẻ chia về tinh thần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người bị nhiễm HIV/AIDS. Nguyên nhân có thể do người đó có lối sống buông thả, dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm… từ đó dẫn đến nhiễm HIV. Tuy nhiên, cũng có những người thường xuyên làm việc với đối tượng có HIV/AIDS như: Bác sĩ, y tá; Nhân viên Công tác xã hội; Quản giáo; Lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội; Công an. Những đối tượng này cũng dễ có nguy cơ bị nhiễm HIV, đó gọi là phơi nhiễm HIV. Như vậy, việc tìm hiểu về nguyên nhân, điều kiện và các biện pháp xử lý khi bị phơi nhiễm HIV là rất quan trọng, đặc biệt là với nhân viên công tác xã hội, ngoài việc tìm hiểu những yếu tố trên cần có biện pháp để tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho những người bị phơi nhiễm HIV.
B – Nội dung
I/ Những hiểu biết về phơi nhiễm HIV
1. Khái niệm Phơi nhiễm HIV:
Phơi nhiễm với HIV là thuật ngữ dùng để chỉ các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch cơ thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
(Theo bộ y tế)
Các dạng phơi nhiễm HIV thường gặp:
 
– Phơi nhiễm do bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm
– Vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu.
– Bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào.
– Máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng)
– Bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu ( có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ ( công an, bác sỹ..) cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…
2. Điều kiện xác nhận phơi nhiễm HIV trong thi hành công vụ
Người được xác định bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

HIV hình ảnh

Tư vấn HIV miễn phí
(Rất nhiều bác sỹ, công an, bộ đội… phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm
HIV khi đang thi hành nhiệm vụ)

 

 

 

– Khi đang thi hành nhiệm vụ bị 1 trong 3 tai nạn (bị kim, vật nhọn đâm, vật sắc cứa xuyên qua da hoặc vật làm da bị trầy xước, nứt nẻ mà những vật này đã tiếp xúc với máu, sản phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV
– Bị máu, sản phẩm máu, dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với da bị trầy xước, nứt nẻ hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mắt, mũi, miệng)
– Có biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp và được lập trong vòng 48 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, có xác nhận của người làm chứng và được thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người bị phơi nhiễm với HIV ký, xác nhận; kết quả xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật ELISA của người bị phơi nhiễm với HIV là âm tính.
Điều kiện xác định người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp gồm: Có Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV của cơ quan có thẩm quyền và kết quả xét nghiệm HIV của người bị phơi nhiễm với HIV tại 1 trong 3 thời điểm: 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng sau khi bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp là dương tính do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ và có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, gồm: Cục Quân y thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Y tế Bộ Công an; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Y tế thuộc Bộ Giao thông vận tải; Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Đối tượng bị phơi nhiễm HIV:
Theo thống kê của Viện y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới, trên toàn quốc hiện có trên 100 trường hợp bị phơi nhiễm HIV trong đó 80% nhân viên y tế bị phơi nhiễm, số còn lại là các chiến sĩ công an trên mặt trận phòng chống ma túy, những cán bộ công tác xã hội làm việc với nhóm đối tượng nghiện ma tuý hoặc mại dâm, người nhiễm HIV, tội phạm và số ít là người dân. Từ bây giờ, họ – những thầy thuốc lại có thêm một nỗi lo mới: nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ. Nhưng vì đặc thù nghề nghiệp, họ vẫn phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân mắc các loại bệnh khác nhau
Nhân viên y tế là những người có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao nhất. Nhiều y, bác sỹ phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân là người nhiễm HIV/AIDS. Trong quá trình làm việc với bệnh nhân như: tiêm, hay các hình thức tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khác nhân viên y tế dễ dàng tiếp xúc với máu của bệnh nhân có chứa virut HIV, virut này sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước ở da. Hoặc có nhiều trường hợp, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối điều trị tại bệnh viện được một thời gian thì qua đời nên việc khâm liệm cho họ rất vất vả. Được biết, các bệnh nhân AIDS đến viện không phải tất cả đều vô thừa nhận nhưng khi chết đi tuyệt nhiên người nhà họ không một ai dám tự tay khâm liệm. Họ sợ bị lây nhiễm HIV. Vậy nên tất cả từ khâu sát trùng cho tử thi, mặc quần áo, đến khâm liệm đều do y tá, bác sĩ đảm nhiệm. Như thế, khó mà tránh được rủi ro nghề nghiệp vì các virut HIV từ các tử thi có thể xâm nhập bất cứ lúc nào vào cơ thể người qua các vết trầy xước, qua quá trình tiếp xúc với bệnh nhân. Chính vì vậy, đối với nhân viên y tế đặc biệt là những người làm việc ở khoa truyền nhiễm hoặc khoa hồi sức cấp cứu.
Những chiến sĩ công an trên mặt trận phòng chống ma túy cũng là một trong những nhóm có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV khá cao. Vì những đối tượng nghiện ma tuý là những người có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất ở nước ta hiện nay, có rất nhiều người đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. Như vậy, những đối tượng này có tâm lý rất bất cần, họ sẵn sàng chống lại những chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ. Chính vì vậy mà trong lúc truy bắt những tên tội phạm liên quan đến ma tuý, chiến sĩ công an rất dễ gặp sự kháng cự của nhóm tội phạm này. Những tên này thường dùng những vật sắc nhọn như: dao, kéo… để đe doạ hoặc đâm, rạch sao cho máu của chúng có chứa virut HIV sẽ tiếp xúc với máu của chiến sĩ công an thông qua chỗ trầy, xước…nhằm lây nhiễm HIV cho công an với mục đích trả thù.
Quản giáo là những người làm công tác quản lý, giám sát, đôn đốc trong các trại cải tạo, trại cai nghiện ma tuý, trại phục hồi nhân phẩm cho những cô gái hành nghề mại dâm. Những người này thường xuyên tiếp xúc với những nhóm đối tượng này nên cũng có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao.
Nhân viên công tác xã hội, đây là một nghề mới nhưng đối tượng của những người làm công tác này cũng là những người nghiện ma tuý, gái mại dâm hoặc những người có HIV. Chính vì vậy trong quá trình giúp đỡ nhóm đối tượng này nhân viên công tác xã hội phải có sự chuẩn bị các kiến thức liên quan đến cách phòng tránh lây nhiễm HIV. Đặc biệt là những người làm việc trong những trung tâm bảo trợ trẻ em bị nhiễm HIơi V. Ở đây những người tiếp xúc trực tiếp với trẻ nhiễm HIV là các cô nuôi, họ trực tiếp cho trẻ ăn, tắm giặt cho trẻ, tiếp xúc thường xuyên trong mọi sinh hoạt của trẻ, mà trẻ em bị nhiễm HIV cũng như bao trẻ em khác, vì đang tuổi lớn nên trong quá trình đùa nghịch không tránh khỏi những vết trầy xước, đứt tay… các cô nuôi lúc này là người trực tiếp băng bó cho trẻ, sẽ trực tiếp tiếp xúc với máu chứa virut HIV của trẻ. Hoặc trong lúc giặt quần áo cho trẻ thì cũng tiếp xúc gián tiếp với những virut nana. Chính vì vậy nguy cơ bị phơi nhiễm HIV là khá cao.
Cũng cần lưu ý với trường hợp sinh viên công tác xã hội khi xuống thực tập tại các trung tâm có phự nữ bị nhiễm HIV hay những trung tâm trẻ em bị nhiễm HIV. Vì còn là sinh viên chỉ được học lý thuyết trên lớp, chưa có kinh nghiệm thực tế khi tiếp xúc với nhóm đối tượng này nên nguy cơ bị lây nhiễm cũng khá cao. Hơn nữa, vì kiến thức về HIV của sinh viên chưa chuyên sâu nên khi bị phơi nhiễm HIV bản thân sinh viên không hề biết và có biện pháp xử lý kịp thời. Chính vì vậy, việc sinh viên trong quá trình đi thực tập, thực tế xuống các cơ sở có đối tượng nhiễm HIV thì tỷ lệ phơi nhiễm cũng không nhỏ.
Ngoài những đối tượng nêu trên như: nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội, chiến sĩ công an, quản giáo… là những nhóm có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV cao, thực tế một số nhỏ những người dân thường cũng có thể bị phơi nhiễm do tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV, do dẫm phải bơm kim tiêm… Chính vì vậy, không loại trừ một ai, tất cả mọi người phải luôn cảnh giác và có biện pháp an toàn nhất để phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân mình.
4. Giải pháp:
Các nhân viên y tế sống trong môi trường bốn bề bệnh tật, lây nhiễm nên nguy cơ phơi nhiễm HIV là điều tất yếu. Hiện nay trên thế giới đã có phác đồ điều trị dự phòng cho những người bị phơi nhiễm. Đó là thuốc chống virut có nhiều loại, tuỳ thuộc vào mức độ phơi nhiễm. Thuốc có tác dụng khi người bệnh mới bị xâm nhập virut HIV trong vòng 6-8 giờ. Việc phải ngǎn chặn virut trước khi chúng xâm nhập vào các tế bào trong một thời gian như vậy cũng là điều không dễ dàng. Thực tế ở Việt Nam, phác đồ điều trị cho những người phơi nhiễm là càng sớm càng tốt, chậm nhất là 7 ngày.
Nǎm 2001 đã có thuốc điều trị phơi nhiễm HIV đặt tại các ban AIDS ở các tỉnh thành trong cả nước để tiện cho việc điều trị nhanh, kịp thời… Nhưng việc tạo điều kiện, tǎng kinh phí mua các dụng cụ bảo hộ lao động cho tất cả các cơ sở y tế, đồng thời mở các lớp tập huấn cho nhân viên, bác sĩ, y tá, điều dưỡng là đặc biệt quan trọng. Hướng dẫn họ cách sử dụng các công cụ bảo hộ lao động đúng mục đích, đề phòng tránh các rủi ro, hạn chế tai nạn nghề nghiệp.
Đồng thời, đối với một số cán bộ như: Nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội, chiến sỹ công an, quân đội… bị phơi nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ cũng được hưởng một số ưu đãi hay còn gọi là hưởng chế độ nghề nghiệp như: được điều trị bệnh AIDS miễn phí bằng thuốc đặc hiệu. Họ được hưởng nguyên lương và phụ cấp khác trong thời gian phải nghỉ việc. Đây là quyết định mới của Thủ tướng, có hiệu lực từ tháng 1/2004.
Bên cạnh đó, người có bảo hiểm xã hội được nhận trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng. Họ sẽ được bố trí làm công việc phù hợp với sức khỏe, cũng như hưởng lương, nâng bậc lương… và nghỉ việc theo chế độ hiện hành. Gia đình họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất và các trợ cấp khác theo quy định của bảo hiểm xã hội. Quyết định trên nhằm bổ sung cho một văn bản được ban hành hồi tháng 11, theo đó, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp khi thi hành công vụ sẽ được công nhận liệt sĩ sau khi chết.
Hiện tại, những trường hợp tương tự chỉ được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị miễn phí các thuốc dự phòng HIV/AIDS theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời được nghỉ việc 20 ngày cho điều trị dự phòng. Người bị phơi nhiễm HIV là bị bệnh sau khi da hoặc niêm mạc của người đó tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch thể của bệnh nhân. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, hiện cả nước có 389 người bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp. Chi phí điều trị cho một người nhiễm HIV chừng 850-1.200 USD/năm.
II/ Công tác xã hội với người bị phơi nhiễm HIV
 
1. Tư vấn cho người bị phơi nhiễm HIV
Trước hết, cần xử lý vết thương ngay tại chỗ:
Đối với những tổn thương da gây chảy máu cần xối ngay vết thương dưới vòi nước sạch (lưu ý là không được kỳ cọ vết thương, chỉ để vòi nước xối vào vết thương). Sau đó, để vết thương chảy máu trong một thời gian ngắn. Cuối cùng, rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, rồi sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn như: Dakin, Javen1/10 hoặc cồn 70o trong thời gian ít nhất 5 phút.
Trong trường hợp bị máu hoặc dịch tiết của người có HIV bắn vào mắt, mũi cần rửa mắt hoặc nhỏ mũi bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu bắn vào miệng thì cần xúc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần.
Sau đó, cần đánh giá nguy cơ phơi nhiễm:
Nếu máu và dịch tiết của người có HIV bắn vào những vùng da lành (không bị tổn thương hay xây xước) thì không có nguy cơ lây nhiễm HIV.
Nguy cơ lây nhiễm cũng thấp khi tổn thương da xây xát nông, không chảy máu hoặc chảy máu ít hoặc máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào niêm mạc không bị tổn thương viêm loét.
Những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao là tổn thương da sâu, rộng, chảy nhiều máu, máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng từ trước.
Điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng ARV (thuốc kháng virus HIV):
Đối với những trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm thì không cần điều trị. Còn đối với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV.
Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm từ 2 đến 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 giờ. Thời gian điều trị ARV kéo dài trong 4 tuần và có thể sử dụng các phác đồ sau theo chỉ định của bác sỹ:
– Phác đồ điều trị:
+ Phơi nhiễm nguy cơ cao: ZDV +3TC hoặc d4T + 3TC cùng với NFV/LPV/r hoặc EFV
+ Phơi nhiễm nguy cơ thấp: ZDV + 3TC hoặc d4T + 3TC
– Thời gian điều trị : Dùng chung cho cả hai phác đồ là : 4 tuần.
– Theo dõi:
+ Xét nghiệm HIV sau 1 tháng, sau 3 hoặc 6 tháng
+ Xét nghiệm theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV: công thức máu, men gan lúc bắt đầu điều trị và sau hai tuần, xét nghiệm đường máu nếu sử dụng NFV hoặc LPV/r
– Liều lượng và cách dùng
+ ZDV: 300mg uống 2 lần/ngày
+ 3TC : 150mg uống 2 lần / ngày
+ d4T : < 60 kg – 30 mg uống 2 lần/ ngày
+ 60 kg – 40 mg uống 2 lần / ngày
+ NFV : 1250 mg uống 2 lần/ ngày
+ LPV/r : 400mg/ 100mg uống 2 lần/ngày
+ EFV : 600 mg uống một lần vào buổi tối, trước khi đi ngủ là tốt nhất.
Điều trị dự phòng phơi nhiễm kịp thời là cách hiệu quả duy nhất để có thể tránh được lây nhiễm HIV và cần làm đúng những nguyên tắc điều trị để đạt được hiệu quả cao nhất..
Trong trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm cao, có thể sử dụng thêm NFV/ LPV hoặc EFV. Hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ chuyên môn mới được điều trị dự phòng miễn phí còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng không được cấp chế độ này. Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Chi phí cho một lần điều trị phơi nhiễm bằng thuốc ARV do nước ta sản xuất khoảng 1.200.000 đồng, còn nếu là thuốc ngoại thì khoảng 4.500.000 đồng.
Trong thời gian điều trị dự phòng ARV cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV thông qua các xét nghiệm: Xét nghiệm công thức máu, đo chỉ số men gan ALT/SGPT lúc bắt đầu điều trị và sau khi điều trị được 2 tuần, xét nghiệm đường máu. Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác
Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó.
Việc dự phòng lây nhiễm HIV khi gặp tình huống rủi ro có sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch tiết từ cơ thể người có HIV là rất quan trọng và rõ ràng là giúp người bị phơi nhiễm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện nay, những người bị phơi nhiễm còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với việc điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng ARV, đặc biệt là tại tuyến huyện, xã. Hướng giải quyết khó khăn này xin dành cho Ngành Y tế và hy vọng rằng trong tương lai không xa, khi nguồn thuốc ARV giá rẻ chính thức được đưa vào sử dụng, cơ hội của những người không may bị phơi nhiễm sẽ được mở rộng, không còn chỉ giới hạn ở các cán bộ y tế, công an …
Tư vấn tâm lý cho người bị phơi nhiễm trước và sau khi xét nghiệm cũng rất quan trọng:
 
Tư vấn trước khi xét nghiệm:
Trước hết, nhân viên công tác xã hội cần truyền đạt cho người bị phơi nhiễm các hiểu biết về bệnh, các cách lây nhiễm để họ chủ động tránh các hành vi nguy cơ.
Nhân viên công tác xã hội cũng cần phải nói rõ cho họ biết việc xét nghiệm này sẽ hoàn toàn được giữ bí mật. Vì với những người bị phơi nhiễm hầu hết họ đều là những công chức nhà nước nên uy tín và danh dự đối với họ là rất quan trọng. Hơn nữa, trong một số trường hợp người bị phơi nhiễm HIV họ rất sợ người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp biết, họ không muốn gây lo lắng, thất vọng, sợ hãi cho những người thân của mình. Chính vì vậy họ muốn giữ bí mật đến khi biết kết quả chính xác. Nhân viên công tác xã hội cần lưu ý nguyên tắc giữ bí mật trong trường hợp này.
Tư vấn sau xét nghiệm:
Nếu kết quả là âm tính:
– Giải thích cho họ biết về giai đoạn cửa sổ (3 tháng đầu kể từ lần cuối cùng có hành vi nguy cơ) kết quả có thể là (-) tính.
– Sau 6 tháng khuyên đối tượng bị phơi nhiễm làm xét nghiệm lại nếu kết quả là (-) tính thì mới chắc chắn là không bị nhiễm.
– Hướng dẫn cho họ các biện pháp phòng tránh an toàn, tránh nguy cơ bị phơi nhiễm một lần nữa.
Nếu kết quả dương tính:
– Thông báo cho thân chủ kết quả sau khi đã chuẩn bị chu đáo về tâm lý để họ tiếp nhận thông tin. Vì đối với những người bị phơi nhiễm HIV, thì đây là điều xảy đến bất ngờ đối với họ, chắc chắn họ sẽ bị sốc và không chấp nhận sự thật này. Chính vì vậy, nhân viên công tác xã hội cần dùng lời nói, cử chỉ thân thiện để trấn an, giải thích, động viên thân chủ xử lý những căng thẳng, giúp họ giảm bớt nỗi sợ hãi, lo âu, mặc cảm, tự ti, sợ bị xã hội, gia đình, đồng nghiệp ruồng bỏ. Từ đó, bàn bạc với thân chủ tìm ra cách ứng xử phù hợp trong thời gian tới.
– Vì phần lớn người bị phơi nhiễm HIV đều muốn giữ bí mật, không muốn cho người khác biết mình bị nhiễm HIV nên cố gắng dấu bệnh và từ chối mọi hình thức tiếp cận của các loại cán sự. Vì vậy nhân viên công tác xã hội cần động viên giải thích và cho thấy sự hỗ trợ hữu ích từ các nguồn khác trong việc chạy chữa và điều trị.
2. Tư vấn cho gia đình người bị phơi nhiễm HIV
Việc các cán bộ bị phơi nhiễm HIV, việc tư vấn cho gia đình họ là rất quan trọng vì: Gia đình là chỗ dựa tốt nhất về mặt tâm lý, tình cảm của họ. Chỉ có sự quan tâm chăm sóc của người thân trong gia đình mới giúp cho họ thích ứng tốt cho cuộc sống. Người nhà của họ chắc chắn sẽ rất sốc với tin này. Việc trước hết nhân viên công tác xã hội cần giúp họ chấn tĩnh lại, giúp cho họ hiểu rằng lúc này người thân của họ bị nhiễm căn bệnh này họ đã rất đau khổ và người thân cần là chỗ dựa tinh thần và tiếp thêm cho họ nghị lực để sống. Cách thức tư vấn là nhân viên công tác xã hội gặp từng người trong gia đình để bàn bạc thảo luận với họ về cách chăm sóc bệnh nhân.
Nếu trường hợp bị phơi nhiễm HIV, không kịp xử lý và bị lây nhiễm HIV thì cần tư vấn cho người nhà cách chăm sóc người thân bị HIV tại nhà:
Trước hết là việc tìm người có thể đến nhà chăm sóc cho bệnh nhân. Có thể là chính người thân trong gia đình, bạn bè, nhân viên y tế, tình nguyện viên, đoàn thể, người nhiễm chăm sóc bạn nhiễm hoặc người nhiễm HIV tự chăm sóc mình (đối với nhân viên y tế bị phơi nhiễm vì họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhân nên có thể tự chăm sóc tốt cho mình). Như vậy nhân viên công tác xã hội chỉ đưa ra các gợi ý để người nhà bệnh nhân bị phơi nhiễm HIV tự có sự lựa chọn sao cho phù hợp.
Nhân viên công tác xã hội cũng cần giải thích cho nguời nhà bệnh nhân bị phơi nhiễm lý do vì sao nên chăm sóc người thân của mình tại nhà. Nhân viên công tác xã hội có thể đưa ra một số lý do như sau:
– HIV không lây truyền qua tiếp xúc thông thường
– Người nhiễm HIV/AIDS cảm thấy an tâm, thoải mái hơn, bớt đi mặc cảm.
– Đỡ tốn kém viện phí và các chi phí khác khi điều trị tại bệnh viện
– Giảm được tình trạng quá tải cho các bệnh viện
– Giảm được nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác ở bệnh viện
Trong quá trình chăm sóc người bị nhiễm HIV tại nhà cần chăm sóc đầy đủ cả về thể chất, tinh thần và chăm sóc các nhiễm trùng cơ hội khác:
Chăm sóc về tinh thần:
Người chăm sóc cần:
– Gần gũi cới bệnh nhân, tìm cách khuyên giải, an ủi để bệnh nhân đỡ buồn và quên đi căn bệnh của mình và có nghị lực sống.
– Khuyến khích họ đi thăm bạn bè, đồng nghiệp hoặc giao lưu với người nhiễm HIV khác.
– Tạo việc làm phù hợp và tạo thu nhập cho họ
– Động viên họ tham gia luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí.
– Động viên họ tham gia các hoạt động xã hội, tham gia phòng chống HIV tại địa phương, hoặc công tác tuyên truyền phòng chống phơi nhiễm HIV cho đồng nghiệp hoặc các cán bộ có nguy cơ phơi nhiễm HIV khác.
Những điều người chăm sóc không nên làm với người bị phơi nhiễm HIV, đó là:
– Làm mất đi vai trò của người bệnh trong gia đình, không cho họ làm việc, không cho họ liên hệ với con cái. Vì những bệnh nhân bị phơi nhiễm HIV họ khác hoàn toàn với những người bị nhiễm HIV bằng những con đường tệ nạn khác. Trước kia họ được làm việc, được thể hiện năng lực của mình nên bây giờ khi bị mất đi khả năng đó họ se cảm thấy rất hụt hững và việc hỗ trợ tâm lý, tạo cho bệnh nhân sự cân bằng là cần thiết.
– Không để ý đến nhu cầu và các mối quan tâm của người bị phơi nhiễm HIV.
– Không tôn trọng quyền được riêng tư, giữ bí mật về căn bệnh. Vì trước kia họ đều là những công nhân viên chức nhà nước, việc bị nhiễm HIV là không thể. Đặc biệt là với những đối tượng như công an, nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội công việc của họ là tìm các phòng chống và chữa trị căn bệnh này nên việc giữ bí mật về căn bệnh của họ là rất quan trọng.
– Né tránh, bỏ mặc người bệnh.
– Mất kiên nhẫn, bực tức.
Chăm sóc về thể chất:
Ăn uống và dinh dưỡng của người bị phơi nhiễm HIV:
– Nên cho người bị phơi nhiễm có chế đọ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đầy đủ vitamin
– Ăn chin, uống sôi
– Đảm bảo vệ sinh ăn uống (Rửa tay trước khi ăn, bát đũa, cốc chén phải sạch sẽ)
– Nếu người bệnh không ăn được thì nên cho ăn uống nhiều bữa trong ngày
Người bị phơi nhiễm không nên:
– Không nên ăn các thức ăn ôi thiu, tái sống…
– Không ăn nhiều các chất cay, nóng
– Không nên uống rượu, bia và các chất kích thích khác
– Không nên hút thuốc lá
Hướng dẫn người nhiễm chăm sóc sức khoẻ, tránh bội nhiễm:
– Khi quan hệ tình dục, phải sử dụng bao cao su đúng cách
– Không dùng chung những dụng cụ xuyên chích, hoặc làm trầy xước da
– Tuân thủ việc điều trị bằng thuốc
– Luyện tập thể dục, thể thao
– Lao động phù hợp với sức khoẻ của mình.
3. Tư vấn cho đồng nghiệp những người bị phơi nhiễm:(Tư vấn HIV miễn phí)
Đồng nghiệp là người thường xuyên tiếp xúc với thân chủ nhất. Nên tâm lý của những người này là lo sợ, một phần họ sẽ lo lắng khi tiếp xúc với người bị phơi nhiễm và sự giao tiếp sẽ không được tự nhiên. Một mặt họ lo lắng rằng đồng nghiệp làm cùng mình mà bị phơi nhiễm HIV thì họ cũng có thể bị và không biết là khi nào. Điều này sẽ ảnh hưởng đến suốt quá trình làm việc của họ.
Vì vậy, nhân viên công tác xã hội cần tư vấn cho họ để họ hiểu về bệnh, cách thức lây truyền và cách thức để tránh được sự lây nhiễm. Qua đó giúp họ yên tâm hơn khi tiếp xúc với đồng nghiệp mà không may bị phơi nhiễm và có thể hoàn thành tốt công việc. Đồng thời khi đã hiểu rõ hơn về bệnh thì nhân viên công tác xã hội cần tư vấn cho đồng nghiệp của thân chủ cách cư xử gần gũi, thân thiện không xa lánh người bệnh, giúp họ thích ứng được với môi trường nghề nghiệp, xã hội.
Như vậy, đối với người bị phơi nhiễm HIV thì thái độ của đồng nghiệp đối với họ cũng rất quan trọng, giúp ích ngiều cho quá trình điều trị của họ.
C/ Kết luận
 
Công tác xã hội với người bị nhiễm HIV, đây không phải là một lĩnh vực quá mới mẻ đối với nhân viên công tác xã hội. Tuy nhiên, để làm được công việc này, mỗi một người theo học ngành công tác xã hội đều phải sự cố gắng, nỗ lực hết mình. Trước hết là có những kiến thức, hiểu biết chung về HIV/AIDS, sau đó là tìm hiểu về đặc điểm tâm lý- xã hội của những đối tượng nhiễm HIV/AAIDS, qua đó có thể hiểu và hỗ trợ được tâm lý cho họ một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc tìm hiểu các cách thức lây nhiễm và biện pháp phòng chống bị lây nhiễm HIV và cách thức xử lý khi bị phơi nhiễm là cần thiết, đây là điều kiện cần để nhân viên công tác xã hội có thể làm việc trong lĩnh vực này.
Là một nhân viên hoạt động trong ngành công tác xã hội trong tương lai, bản thân em cũng phần nào xác định được những khó khăn, vất vả trong công việc của mình. Không chỉ bản thân em mà nhiều bạn sinh viên khác đang theo học chuyên ngành công tác xã hội này cũng có những lo lắng nhất định và đang từng bước chuẩn bị hành trang kiến thức cho mình. Đối với chúng em, những kiến thức về HIV/AIDS, phơi nhiễm HIV sẽ luôn luôn quan trọng trong cuộc sống và trong công việc của mình.

 

 

 

D/ Danh mục tài liệu tham khảo:
Bài giảng công tác xã hội với người nhiễm HIV- GV Nguyễn Lê Hoài Anh.
Tài liệu hỗ trợ tâm lý cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương
Bài giảng công tác xã hội với nhóm mại dâm- ma tuý, GV- Phạm Văn Tư

Relatest posts

Leave Comments