KHẢO SÁT PHIẾN PHẾT DA TRONG BỆNH PHONG

KHẢO SÁT PHIẾN PHẾT DA TRONG BỆNH PHONG

 

  1. KHÁI NIỆM PHIẾN PHẾT DA

Phiến phết da là 1 thử nghiệm mà bệnh phẩm được lấy từ vết cắt nhỏ trên da và sau đó được nhuộm kháng acid để tìm vi khuẩn Mycobacterium leprae.

Bệnh Phong
Ảnh: Bệnh Phong
  1. MỤC ĐÍCH THỰC HIỆN PHIẾN PHẾT DA
  • Để xác định chẩn đoán dương tính nghi ngờ bệnh phong thể nhiều khuẩn.
  • Giúp chẩn đoán bệnh phong thể nhiều khuẩn tái phát trên bệnh nhân đã được điều trị trước đó.
  • Giúp phân loại bệnh nhân mới.

 

  1. CHUẨN BỊ THỰC HIỆN PHIẾN PHẾT DA

Bộ dụng cụ thực hiện phiến phết da bao gồm:

  • Găng tay sạch.
  • Gòn cồn.
  • Dao mổ số 15 và cán dao.
  • Đèn cồn.
  • Lam, bút chì hoặc bút lông.
  • Băng keo cá nhân.
  • Hộp đựng lam.
  • Thùng vàng để bỏ vật sắc nhọn.

Tất cả các dụng cụ trên được đặt vào trong 1 mâm sạch trên mặt bàn sạch.

Sau khi nhận được phiếu chỉ định của BS điều trị, ta tiến hành thực hiện phiến phết da.

 

  1. LỰA CHỌN VỊ TRÍ THỰC HIỆN PHIẾN PHẾT

Có 2 vị trí được chỉ định làm phiến phết da:

  • Trái tai, trái hoặc phải hoặc cả hai.
  • Tại thương tổn.

 

  1. CÁCH THỰC HIỆN TIÊU BẢN PHIẾN PHẾT DA
  • Rửa tay và mang găng.
  • Dùng 1 lame kính mới không trầy sướt. Dùng bút chì ghi thông tin bệnh nhân và mã số lên mặt nhám của lam kính, vị trí lấy mẫu, đồng thời mã số này ghi trên phiếu chỉ định xét nghiệm. Lưu ý, nếu dùng bút lông thì phải ghi ngược mặt lame kính với mục đích khi chúng ta nhuộm lame thì thông tin bệnh nhân vẫn không bị rửa trôi.
  • Sát trùng vùng da thương tổn bằng gòn có tẩm cồn 700.
  • Đốt đèn cồn.
  • Gắn lưỡi dao vào cán dao.
  • Kẹp chặt vùng da giữa ngón tay cái và ngón trỏ để đuổi máu đi.
  • Rạch 1 đường da khoảng 5mm chiểu dài và 2mm chiều sâu. Lưu ý, phải kẹp chặt vùng da để đảm bảo vùng da bị cắt sẽ không có máu. Nếu chảy máu, lau sạch máu bằng bông gòn.
  • Quay cán dao 900 và giữ ở vị trí thẳng góc với đường cắt. Nạo mặt trong đường cắt 1,2 lần bằng cạnh của lưỡi dao để lấy dịch mô và chất bột nhão. Lưu ý, không nên lấy lẫn máu trong bệnh phẩm gây khó khăn khi nhuộm và đọc kết quả.
  • Ngưng kẹp da và lau sạch máu với bông gòn.
  • Phết bệnh phẩm lên lame kính. Trải đều bệnh phẩm thành vòng tròn đường kính khoảng 8mm.
  • Làm lại như trên với vị trí khác theo chỉ định.
  • Bỏ lưỡi dao vào thùng vàng hủy vật sắc nhọn.
  • Băng vết thương cho bệnh nhân.
  • Để lame khô tự nhiên, cố định bệnh phẩm qua đèn cồn.
  • Đặt lame kính trong hộp đựng lame và gửi tới PXN kèm theo phiếu chỉ định xét nghiệm.

 

  1. PHƯƠNG PHÁP NHUỘM TIÊU BẢN PHIẾN PHẾT DA

Phương pháp tối ưu là nhuộm theo phương pháp Ziehl-Neelsen.

  • Làm phiến phết, để khô, cố định bằng sức nóng.
  • Phủ dung dịch Carbon Fuchsin 1% lên phiến phết, hơ nóng cho bốc khói bằng cách dùng gòn tẩm cồn 70% đốt cháy từ từ dưới tấm lame, tránh đun sôi hay để khô. Hơ như vậy 3 lần trong 5 phút. Lưu ý: không để khô thuốc nhuộm, không tiết kiệm thuốc nhuộm, không làm sôi thuốc nhuộm.
  • Để nguội và rửa sạch thuốc nhuộm dưới vòi nước nhẹ.
  • Tẩy màu thuốc nhuộm bằng dung dịch acid-cồn 3% : phủ acid-cồn lên phiến phết để 30 giây, rửa nước, nhỏ từ từ dd acid-cồn lên phiến phết cho đến khi hết những vết màu đỏ, rửa nước và nghiêng lame cho ráo nước.
  • Nhuộm lại bằng dung dịch Methylen Blue 0.3% trong 30 giây. Rửa nước, để khô và quan sát dưới vật kính dầu 100x.

Các vi khuẩn thuộc họ Mycobacterium nói chung và trực khuẩn BH nói riêng khó nhuộm màu trong các phương pháp nhuộm màu thông thường vì thành phần cấu tạo có nhiều Phospholipid và có một lớp sáp mỡ bao bọc màng tế bào vi khuẩn.

Khi dùng một thuốc nhuộm mạnh như Carbon Fuchsin và làm cho tế bào vi khuẩn ăn màu dễ dàng bằng cách hơ nóng. Các vi khuẩn thuộc họ Mycobacteriumsau khi đã bắt màu sẽ giữ màu thuốc nhuộm rất chắc dù có tẩy mạnh bằng dung dịch acid cồn trong khi các vi khuẩn khác không có đặc tính này.

Vì vậy vi khuẩn BH dưới kính hiển vi có màu đỏ.

  1. CÁCH ĐỌC TIÊU BẢN PHIẾN PHẾT DA
  • Sau khi nhuộm xong, dùng giấy thấm thấm khô lame.
  • Đặt lame lên kính hiển vi.
  • Xem bằng vật kính 10x để xác định chỗ có bệnh phẩm.
  • Nhỏ 1 giọt dầu soi kính lên lame chỗ có bệnh phẩm, xoay vật kính 100x, quan sát sự hiện diện của vi khuẩn kháng acid.
  • Chúng là vi khuẩn hình que bắt màu đỏ trên nền màu xanh dương. Vi khuẩn có thể thẳng hay cong, màu đỏ có thể đồng nhất (thể Solid) hoặc không đồng nhất, đứt khúc, có những đám vi khuẩn gọi là bó (Globi).
  • Quan sát khoảng 100 quang trường cho mỗi phiến phết. Nếu có vi khuẩn, xác định số lượng vi khuẩn theo thang chỉ số BI (Bacteriological Index) dưới đây:

 

  • Âm tính: không tìm thấy vi khuẩn kháng acid trên 100 quang trường.
  • 1+ : 1-10 vi khuẩn trên 100 quang trường.
  • 2+ : 1-10 vi khuẩn trên 10 quang trường.
  • 3+ : 1-10 vi khuẩn trên mỗi quang trường.
  • 4+ : 10-100 vi khuẩn trên mỗi quang trường.
  • 5+ : 100-1000 vi khuẩn trên mỗi quang trường.
  • 6+ : trên 1000 vi khuẩn trên mỗi quang trường.
  • Vi khuẩn chắc (thể Solid) được xem như có sự hiện diện của vi khuẩn sốngvà có thể được tìm thấy trong trường hợp bệnh mới, bệnh không điều trị hoặc bệnh tái phát.

 

  1. CÁCH PHA CHẾ THUỐC NHUỘM

Bộ thuốc nhuộm Ziehl-Neelsen gồm 3 loại hóa chất: dung dịch Carbon Fuchsin 1%, Acid cồn 3% và dung dịch Methylen Blue 0.3%.

 

  • Pha chế dung dịch Carbon Fuchsin 1%
  • Dụng cụ, hóa chất cần thiết để pha chế:
    • Bột Basic Fuchsin.
    • Cân.
    • Cồn 95%.
    • Tinh thể Phenol.
    • Nước cất.
    • Bình tam giác 1000ml.
    • Cối đá và chày.
    • Chai 1L đựng dung dịch sau khi pha xong.
  • Cách pha:
    • Pha 100ml dung dịch Fuchsin bão hòa: Cân 10g bột Basic Fuchsin nghiền với 100ml cồn 95% trong cối đá.
    • Tinh thể Phenol ngâm trong nước ấm cho tan. Lấy 50ml Phenol lỏng hòa tan với 900ml nước cất đun nóng đựng trong bình tam giác 1000ml. Đổ tiếp 100ml dung dịch Fuchsin bão hòa đã pha ở trên vào trộn đều.
    • Bảo quản trong chai 1L đậm màu.

 

  • Pha chế dung dịch Acid-Cồn 3%
  • Đổ 900ml cồn 95% vào bình tam giác 1L.
  • Đổ 30ml dung dịch HCl đậm đặc vào cốc thủy tinh 50ml có mỏ.
  • Đổ từ từ dung dịch HCL vào trong cồn 95%, thêm cồn 95% vào bình cho đến 1000ml.
  • Đổ dung dịch acid cồn vào chai 1L bảo quản.

 

  • Pha chế dung dịch Methylen Blue 3%
  • Cân 3g bột Methylen Blue hòa tan trong 1L nước cất trong bình tam giác 1000ml.
  • Bảo quản trong chai đậm màu.

Relatest posts

Leave Comments